Trong một xã hội học tập, đầu tư cho giáo dục được coi là quốc sách thì những sự kiện giáo dục lớn như: khai trường, thi tốt nghiệp, thi tuyển sinh… luôn được nhà nước và toàn dân chăm lo đặc biệt.
Ngày khai trường là sự mở đầu, có tác dụng tạo hứng khởi cho suốt một năm học, nhất là với thầy và trò. Sau mấy tháng nghỉ hè, thầy trò lại gặp gỡ, bắt đầu hành trình mới dưới mái trường. Mỗi lần khai trường là dấu mốc một chặng quan trọng trong đời người trên đường học vấn. Xét trên khía cạnh nào đó, ngày khai trường có ý nghĩa rất thiêng liêng, không chỉ với từng cá nhân đi học mà với cả cộng đồng. Có lẽ, trong chúng ta, nhiều người vẫn luôn nhớ và không khỏi xúc động khi đọc những dòng đầu tiên trong lá thư Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi các em học sinh nhân ngày khai trường hồi tháng 9.1945. Bác viết: “Hôm nay là ngày khai trường đầu tiên của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa. Tôi đã tưởng tượng thấy trước mắt cảnh nhộn nhịp tưng bừng của ngày mở trường ở khắp nơi. Các em hết thảy đều vui vẻ vì sau mấy tháng giời nghỉ học, sau bao nhiêu cuộc chuyển biến khác thường, các em lại được gặp thầy gặp bạn”. Cuối thư, Bác chúc: “Ngày hôm nay, nhân buổi tựu trường của các em, tôi chỉ biết chúc các em một năm đầy vui vẻ và đầy kết quả tốt đẹp”. Trong thư của Bác Hồ, ngày khai trường là ngày “mở trường”, mở đầu năm học mới, ngày tràn đầy niềm vui, hy vọng, là dấu thời gian đặc biệt dự báo cho một tương lai tốt đẹp.
Vậy nhưng chẳng hiểu tại sao gần chục năm trở lại đây nghi thức đầy ý nghĩa như thế lại thay đổi. Cụ thể là các trường tổ chức dạy chính khóa ngay từ dịp hè, hầu hết từ nửa đầu tháng 8. Cứ lặng lẽ âm thầm, thầy giáo lại lên bục giảng, học sinh lại đến trường học tập. Khi bộ máy đã hoạt động trơn tru, ngon trớn thì đùng một cái các trường mới tổ chức khai trường, khai giảng. Cũng cờ quạt, diễn văn, cũng băng rôn khẩu hiệu, văn nghệ, nhưng không hẳn đã tìm thấy ở đó sự xúc động của buổi tựu trường, tình thầy trò đằm thắm ngày gặp lại, nói chi sự thiêng liêng cao quý ghi dấu một chặng đời người. Có thể, ngành GD-ĐT có nhiều lý do để lý giải, ví dụ chương trình dày nặng nên phải giãn ra học trước, hoàn cảnh từng địa phương có khác nhau… Nếu vậy, tại sao chúng ta không giảm tải bằng việc cắt giảm chương trình vốn được đánh giá là quá nặng cho phù hợp thời gian quy định. Sao chúng ta không để các trường tùy thuộc vào hoàn cảnh riêng tổ chức khai giảng sớm, rồi dạy học. Khai trường cần nên là sự mở đầu cho năm học mới với đầy đủ ý nghĩa và cảm xúc.
Vẫn biết cuộc chấn hưng, giáo dục là cả quá trình dài lâu, phức tạp, nhưng vẫn cần cân nhắc những việc tưởng nhỏ mà không nhỏ như thế...
Theo THANH NIÊN ONLINE
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét