Trong đời sống hôn nhân, nhân nhượng là quy tắc vàng trong ứng xử. Có thể có rất nhiều cặp vợ chồng không có ngoại tình, nhưng không có cặp vợ chồng nào không có xung đột.
Cả hai phải… chịu nhau!
Hơn 2 tháng sau ngày cưới, Huy kể với tôi về vụ xung đột mới nhất của vợ chồng anh: “Cháu nói, nó cãi lem lẻm. Cháu cho nó một cái tát. Nó quay người lại và trên cái đà quay đó, nện cho cháu một cái tát nổ đom đóm mắt”. Sau mấy giây im lặng, Huy nói tiếp: “Rồi phải có một thời gian để xem ai phải chịu ai”. Bây giờ đôi vợ chồng đã có 2 con kháu khỉnh và rất ngoan. Cuộc sống của họ khá yên ấm. Tôi hỏi Huy: “Vậy ai đã phải chịu ai?”. Huy cười: “Cả hai phải chịu nhau”. Đó là sự nhân nhượng. Đây là bí quyết triệt tiêu mọi xung đột gia đình.
Chúng ta thường coi nhân nhượng là sự cam chịu chứ không phải là một bản lĩnh biết sống tự tin và tự chủ. Nhân nhượng làm cho đời sống hôn nhân thay đổi theo chiều hướng tốt và củng cố hạnh phúc gia đình. Nhưng phải là nhân nhượng tích cực, nghĩa là chúng ta ý thức rõ lợi ích của sự nhân nhượng và chủ động thực hiện nó. Trong đời sống vợ chồng, không phải người yếu hơn cần nhân nhượng người mạnh hơn. Đây không phải là đặc quyền của kẻ mạnh, cũng không phải là sự yếm thế của kẻ yếu.
Bạn đón nhận cơn giận dữ của người bạn đời như thế nào? Bạn bực tức hay thản nhiên cho rằng hắn ta cần xả bớt những bức xúc làm căng thẳng thần kinh? Trong lúc đấu khẩu bạn im lặng hay là ăn miếng trả miếng từng lời, dù lòng bạn se lại trước khuôn mặt méo đi vì tức giận của người bạn đời? Bạn cư xử thế nào sau mỗi trận cãi nhau? Những câu trả lời các câu hỏi trên sẽ cho thấy mức độ hòa hợp trong cuộc sống hôn nhân của chúng ta, cũng như mức độ sẵn sàng làm lành với người bạn đời. Thế nhưng có rất nhiều người cứ chờ xem bên kia cư xử thế nào đã, hoặc người nọ chăm chăm chờ người kia nhượng bộ trước. Đó không phải là nhân nhượng tích cực.
Nói về sự nhân nhượng, chúng ta thường nghĩ rằng phái đẹp hay nhân nhượng hơn phái mày râu. Song thực tế điều tra xã hội học cho thấy điều ngược lại, đàn ông nhân nhượng nhiều hơn. Trong 100 vụ xung đột có 21 người đàn ông hàng phục trước, trong khi đó chỉ có 9 bà xã chịu lép vế. Trong các cuộc đấu khẩu thường là người đàn ông chủ động im lặng trước, chủ động chấm dứt cuộc cãi vã trước, trong khi đó người đàn bà thường nói những câu sau cùng.
Đừng lợi dụng điểm yếu để công kích.
Câu chuyện sau đây có thể là một thí dụ về sự chủ động nhân nhượng: “Chúng tôi quyết định đi du lịch xuyên Việt trong 2 tuần. Mọi việc đã được chuẩn bị rất chi tiết, từ tài chính đến phương tiện và hành trình của từng chặng. Nhưng đến Tây Nguyên thì nổ ra cãi nhau. Chỉ mới khai hỏa được vài câu, vợ tôi đã lớn tiếng: “Anh cút đi! Em không muốn đi chung với anh nữa”. Cảm thấy bị xúc phạm, tôi gọi taxi đi mua vé máy bay để trở về. Nhưng ngày hôm đó không còn vé máy bay nữa, phải chờ tới chuyến tối hôm sau mới bay được.
Tôi lấy buồng khách sạn để nghỉ một hôm cho bớt căng thẳng thần kinh. Nằm một mình trong khách sạn, tôi nhớ lại cuộc đấu khẩu vừa diễn ra, trong đó có một phần lỗi của mình. Vẻ mặt đau khổ của vợ tôi hiện lên khiến lòng tôi se thắt lại. Nếu tôi bỏ về thì cả chuyến đi này cũng sẽ bị hủy bỏ, vì nhà tôi nói thế thôi chứ không bao giờ muốn đi du lịch một mình. Khi đi mua vé máy bay, tôi đã tự thề với mình là không bao giờ gọi điện thoại trước cho vợ. Mặc xác cô ấy, muốn đi đâu thì đi và bao giờ về thì tùy. Nhưng tôi cảm thấy lúc này vợ tôi cũng không ngủ được. Đó là khi tình cảm lên tiếng. Và tôi bấm máy gọi điện thoại cho vợ: “Anh nhớ em không sao ngủ được”. “Em cũng thế”. Thế là tôi bỏ chuyến bay, chạy đi tìm vợ”.
Đó là những người biết chủ động nhân nhượng. Trong những gia đình này, những va chạm lặt vặt không bị khái quát quy chụp thành bản chất. Họ không nghiến răng thề sẽ không bao giờ tha thứ cho nhau mà chủ động nhân nhượng. Ý thức chừng mực trong các cuộc cãi vã là vô cùng quan trọng, nếu không cả hai sẽ vượt qua giới hạn cho phép.
Xin hãy lưu tâm đến những điều cấm kỵ sau đây, khi có xung đột gia đình/tình yêu:
1. Đừng vội thất vọng. Nếu cả hai chưa tìm được tiếng nói chung thì hãy chủ động im lặng để người bạn đời có thời gian suy nghĩ.
2. Dù tức giận đến mấy cũng không được đe dọa người bạn đời bằng ly hôn.
3. Không lợi dụng những điểm yếu của nhau để công kích đối phương, buộc người bạn đời phải câm miệng.
4. Không được nhân dịp cãi nhau để kể chuyện cổ tích, rằng hôm kia anh nốc rượu say nôn đầy nhà, tôi phải hầu anh cả đêm, hoặc hôm nọ, anh đi ăn tối với con đĩ ở cơ quan mà không thèm gọi điện thoại cho tôi…Những câu chuyện cổ tích như thế sẽ đẩy cuộc đấu khẩu nhanh chóng lên đỉnh cao và câu chuyện sẽ bị lạc đề.
5. Không lôi con cái vào phe mình, vì lời nói của chúng rất ít tác dụng đối với các bậc phụ huynh. Vả lại để con trẻ biết những xung đột của bố mẹ, chúng sẽ rất buồn và nhiều khi có những hành vi tiêu cực.
6. Không bao giờ được tái diễn cuộc cãi vã ngày hôm trước. Cuộc tái đấu khẩu bao giờ cũng quyết liệt hơn trận lượt đi. Âm hưởng của cuộc đấu hôm trước còn lâu mới tan.
7. Đừng phóng đại quá tầm quan trọng của vụ xung đột từ lần trước. Nó chỉ làm cho những vấn đề thêm tồi tệ chứ không ích lợi gì. Trong khi bốc hỏa, ai cũng có thể nói quá lời. Đừng vin vào lời nói quá đó để đẩy xung đột lên cao hơn.
Tối ưu hóa đời sống hôn nhân là điều không thể làm được nếu thiếu sự quan tâm tích cực và sự tham gia của cả vợ và chồng. Điều quan trọng đối với đời sống hôn nhân không chỉ là phát hiện ra cái gì ở người bạn đời mà tìm ra cách sống phù hợp nhất với người bạn đời của mình. Ổ khóa của tòa lâu đài hạnh phúc có 2 cái chìa và cả 2 vợ chồng cùng mở mới được. Cái chìa khóa ấy có tên là nhân nhượng.
Nguồn: langnhincuocsong
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét