BÀI ĐƯỢC XEM NHIỀU

Thứ Hai, 7 tháng 1, 2013

Các bệnh thường gặp ở trẻ nhỏ vào mùa đông và cách phòng tránh, điều trị


Khi thời tiết chuyển sang mùa lạnh, nhất là khi nhiệt độ xuống dưới 160C thì trẻ thường mắc các bệnh như cảm mạo, viêm mũi, viêm amiđan, viêm họng cấp, ...

Thời tiết hiện nay trời rất lạnh, độ ẩm cao, cộng với mưa phù giá buốt, khiến chúng ta rất dễ bị nhiễm bệnh, đặc biệt là trẻ em. Đây cũng là thời điểm thuận lợi để nhiều loại vi rút mùa đông phát triển mạnh, sức đề kháng của trẻ suy giảm, dẫn đến số trẻ mắc các bệnh về đường hô hấp tăng đột biến. Mùa đông đa phần trẻ nhỏ thường mắc các bệnh sau:


Cảm mạo
Gây ra ngạt mũi, chảy nước mũi, ho, đau đầu, sốt, sợ lạnh, toàn thân khó chịu. Để đề phòng cảm mạo phong hàn cho trẻ trong mùa đông, phải luôn giữ ấm cho trẻ, cho trẻ ăn uống nóng và đầy đủ chất dinh dưỡng. Không để trẻ ra nơi lạnh, có gió. Ban đêm đi ngủ phải chú ý cho trẻ đi tất và không nằm nơi có gió lùa.
          Điều trị: Tía tô (cả lá và cành), hương phụ mỗi vị 5g; trần bì, gừng, cam thảo nam mỗi vị 2,5g. Đổ 150ml nước, sắc còn 70ml, uống lúc còn nóng cho ra mồ hôi.
Nếu có đầy bụng, buồn nôn, cho thêm: hoắc hương, hậu phác mỗi vị 5g.
Uống 1-3 thang.

Viêm mũi
Ban đầu trẻ bị ngứa mũi, hắt hơi từng tràng hoặc từng cái một, nặng đầu, đau mỏi chân tay. Sốt khoảng 39 độ. Ban ngày thì nằm lịm, ban đêm thì quấy khóc bắt mẹ phải bế luôn trên tay. Nếu ở trẻ mới sinh, mũi dễ bị tắc do lỗ mũi rất nhỏ, trong khi đó trẻ lại chưa có thói quen thở bằng miệng nên rất dễ bị khó thở, trẻ quấy khóc, có hiện tượng co kéo ở thượng ức và thượng đòn. Hai hốc mũi trẻ sung huyết đỏ và ứ đọng nhiều dịch.
Điều trị: Những ngày đầu mới bệnh thường là do virút vì vậy không cần uống kháng sinh, chủ yếu là vệ sinh mũi họng cho bé. Nếu sốt từ 38,5o, nên cho uống hạ sốt như: paracetamol. Nếu bé chỉ ấm đầu (37 – 38,5oC) lau bằng nước ấm, uống nhiều nước và ăn nhiều hoa quả.
Nếu không bị bội nhiễm, bệnh sẽ tự khỏi trong vòng từ 5 - 10 ngày. Nếu bé sốt cao 3 ngày liên tục, phải đưa bé đi bệnh viện khám để loại trừ bệnh sốt xuất huyết và xác định chính xác bé bị nhiễm virút hay nhiễm trùng. Vì nhiễm trùng nếu không uống kháng sinh, bé sẽ không tự khỏi bệnh.
Trong trường hợp viêm mũi họng do vi khuẩn, cần dùng thêm kháng sinh như: amoxicilin, cloxacilin, các cephalosporin (cephalexin)… theo hướng dẫn của bác sĩ.

Viêm V.A
Thường xảy ra ở trẻ từ 6-7 tháng cho đến 4 tuổi nhưng cũng có khi gặp ở trẻ lớn hơn. Trẻ bị sốt khoảng 38 - 39 độ C, cũng có thể sốt cao hơn, chảy mũi, lúc đầu chảy mũi trong, loãng, những ngày sau thường chảy mũi nhầy, mủ. Trẻ cũng bị ngạt mũi, dấu hiệu này được thấy rõ hơn khi trẻ ngủ.
Ở những trẻ còn bú mẹ, dấu hiệu ngạt mũi còn thấy khi trẻ muốn bú mẹ nhưng ngậm vú thì không thở được nên trẻ lại phải nhả vú mẹ ra để thở, và tất nhiên là trẻ sẽ khóc. Bệnh thường kèm theo ho, nếu có biến chứng viêm phế quản, ho sẽ trở nên trầm trọng hơn nhiều. Ngoài ra có thể thấy trẻ mệt mỏi, biếng ăn, quấy khóc, hơi thở hôi.
Điều trị: Tùy mức độ bệnh của trẻ mà bác sĩ ra chỉ định như: điều trị bằng thuốc hạ sốt nếu trẻ sốt cao trên 38 độ C, các thuốc làm loãng đờm giảm ho, các thuốc nhỏ mũi. Ngoài ra, việc làm sạch mũi thường xuyên là rất quan trọng. Dùng kháng sinh phải do thầy thuốc chỉ định trong những trường hợp nặng, có biến chứng hoặc đe dọa biến chứng.

Viêm amiđan
Trẻ bị viêm amiđan cấp sẽ sốt cao từ 39-40 độ C, đau họng, khó nuốt, chảy nước miếng nhiều, mệt mỏi, biếng ăn, biếng chơi. Viêm Amiđan rất dễ gây biến chứng nếu không được điều trị đúng.
          Điều trị: Bệnh viêm amidan cấp chỉ điều trị bằng thuốc kháng sinh, hạ sốt, giảm đau… Khi trẻ em bị bệnh viêm amidan cấp tính, các bà mẹ nên đưa con em mình đi khám ở bác sĩ nhi hay bác sĩ chuyên khoa tai mũi họng.

Viêm họng cấp
Là bệnh thường xảy ra vào mùa đông, gặp cả ở người lớn và trẻ em. Triệu chứng đầu tiên là đau họng khi nuốt, kèm theo sốt, khàn tiếng. Nguyên nhân gây bệnh là loại vi khuẩn liên cầu tan máu beta nhóm A. Bệnh có thể gây đau khớp, biến chứng dẫn đến bệnh thấp tim ở trẻ em.
Điều trị: Các biện pháp khắc phục tại nhà ngay khi có triệu chứng đau cổ họng bao gồm các thuốc súc miệng nước muối và làm ẩm không khí. Không cho trẻ nhỏ uống thuốc khi chúng đang bị ngạt thở.
Cần đưa trẻ đi khám bệnh khi trẻ sốt trên 380C để được dùng thuốc thích hợp.
Rất ít trường hợp phải dùng đến kháng sinh, trừ khi viêm họng được xác định do vi khuẩn. Vì vậy, đừng tự tiện dùng kháng sinh khi trẻ viêm họng kẻo gây nhờn thuốc và gây hậu quả không tốt.
Với trẻ dưới 1 tuổi khi bị sốt, có thân nhiệt trên 38°C thì cần nhanh chóng cho trẻ đi khám, tránh tự ý điều trị, vì trẻ sốt cao rất dễ dẫn đến co giật. Cần cho trẻ uống đúng thuốc, đủ liều, đúng thời gian, không được tự ý mua thuốc kháng sinh để điều trị vì điều trị không đúng sẽ để lại tình trạng vi khuẩn kháng thuốc, làm cho các lần điều trị sau này gặp nhiều khó khăn.

Viêm phế quản
Có thể xảy ra ở bất cứ lứa tuổi nào, thường sau khi thay đổi thời tiết, hoặc bị viêm họng, viêm mũi... Nhiều trường hợp trẻ chỉ sổ mũi trong, ho nhẹ vài cái, vẫn chơi và ăn uống bình thường. Nếu tình trạng này kéo dài, không điều trị đúng, trẻ dễ dẫn đến biến chứng bội nhiễm vi trùng gây viêm phế quản phổi rất nguy hiểm.
          Điều trị: Trẻ bị viêm thanh quản cấp thường dẫn đến viêm thanh - khí - phế quản. Một số trường hợp nặng do phù hai dây thanh quản, làm tắc thanh quản dẫn tới suy hô hấp. Do đó, khi trẻ nhiễm bệnh mà không được phát hiện để xử trí kịp thời thì dễ tử vong. Do đặc tính của bệnh là diễn tiến rất nhanh nên chuyển độ nặng có khi chỉ sau 10 - 15 phút. Tuy nhiên, nếu được xử trí kịp thời thì bệnh dứt cũng rất nhanh.
Nếu nghi trẻ bị viêm thanh quản cấp qua các biểu hiện ho, sốt thì không nên tự ý mua thuốc cho trẻ uống mà cần đưa trẻ đi khám để có chỉ định của bác sĩ.

Bệnh suyễn (hen phế quản)
Thường gặp ở trẻ có cơ địa dị ứng như có bệnh chàm, nổi mề đay, ngứa... Khó thở là biểu hiện điển hình, khó thở khi thở kéo dài làm phập phồng cánh mũi, gây co kéo hõm ức, tiếng thở khò khè, môi tím, vẻ mặt sợ hãi. Nhiều trường hợp khó thở cấp tính cần xử trí cấp cứu kịp thời.
          Điều trị: Khi trẻ lên cơn hen nặng, hen cấp tính (khó thở gấp, dữ dội, môi tím tái, không bú được, không khóc được, nói ngắt quãng hoặc không nói được) cần khẩn trương đưa cháu đến cơ sở y tế gần nhất để cấp cứu để tránh xảy ra điều đáng tiếc.
Cần chú ý đối với trẻ có tiền sử hen phế quản thì bố mẹ và người lớn không nên hút thuốc trong nhà, không nên nuôi chó mèo trong nhà. Cần đề phòng có mạt gà chui trong chăn, gối đệm bằng cách phơi nắng chăn gối, đệm mỗi khi có điều kiện...
Trẻ đã từng bị hen phế quản đã được bác sĩ tư vấn và điều trị cần điều trị phòng hen theo hướng dẫn của bác sĩ chuyên khoa.

          Tóm lại các bậc phụ huynh cần chú ý:
Để phòng tránh các bệnh trong mùa lạnh cho trẻ, các bậc cha mẹ cần chăm sóc trẻ chu đáo hơn, tránh nhiễm lạnh, giữ ấm và đặc biệt là gió lạnh khi chiều về. 
Cần vệ sinh ăn uống và răng miệng cho trẻ thường xuyên để tránh nhiễm trùng. Hơn nữa, thói quen ngoáy mũi và bú tay của trẻ cần được khắc phục triệt để. 
Theo dõi và thực hiện theo đúng chỉ định của bác sĩ tránh để những biến chứng không đáng có xảy ra 
Mùa đông, nhất là những ngày rét đậm cần chú ý tránh các tai nạn như ngộ độc khí CO do sưởi ấm bằng than tổ ong trong nhà kín, bỏng lửa hoặc tử vong trẻ em do chở bằng xe máy đi ngoài trời rét; ngạt thở trẻ em do mặc quá nhiều quần áo ấm.


tinhyeuvacuocsong68 tổng hợp từ internet